YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIẬT CẦN SỚM HAY MUỘN

Liên quan đến chủng loại cá

Đặc tính ăn mồi mỗi loại cá khác nhau, có loại ăn nhẹ nhàng, có loại ăn mạnh bạo. Ví dụ cá diếc khi thấy mồi sẽ không ăn ngay, mà sẽ nhìn một lát, dùng đuôi vẩy mồi, ngửi một lát, nếm 1 lát rồi mới ăn mồi, phao sẽ lên xuống nhiều lần rồi mới đưa phao. Cho nên, phải giật cần ngay trong lúc cá đưa phao chứ không đợi cá đưa phao tới đỉnh rồi mới giật, nghĩa là khi câu cá diếc nên giật cần sớm. Đối với cá mè thì miệng to, thấy mồi thì kéo mồi đi, phao sẽ bị kéo chìm nhanh chóng, lúc này không nên giật cần mà giật cần sau khi phao bị kéo chìm chứ không phải vừa mới chìm. Cá con khi ăn mồi thì giỡn trước ăn sau, khi thấy cá cắn mồi thì giật cần ngay, giật cần sớm tỉ lệ dính cá cao hơn. Đối với cá lớn thì phải chờ đến khi cá đã ngậm mồi vào miệng thì mới giật cần, tức là phải giật cần muộn.

Liên quan đến loại mồi và đặc tính mồi câu

Đối với mồi sống như trùn, tôm…vì có đặc tính là ngâm lâu, không tan và khó bị rớt, cho nên không nên giật cần quá sớm. Đối với mồi bột mềm thì nên giật cần sớm. Đối với mồi ngũ cốc cứng dùng để câu chỗ nước chảy, nước sâu, và nơi có gió thì nên giật cần muộn một tí.

Liên quan đến độ sâu của nước và độ dài của dây linh

Đối với hồ sâu không quá 1 m, do độ dài dây linh, nên phao rất nhạy, vì vậy nên giật cần muộn. Đối với địa điểm câu có độ sâu 2 m trở lên, tín hiệu truyền đến phao sẽ mất thời gian, nên giật cần phải sớm.
Dây linh ngắn nên giật cần muộn, dây linh dài nên giật cần sớm.

Liên quan đến thời tiết

Mùa đông hay đầu mùa xuân, do nhiệt độ thấp, cá hoạt động chậm chạp và ăn chậm, nếu có ăn mồi thì cũng ăn rất nhẹ, cho nên khi thấy phao có tín hiệu thì giật cần ngay. Khi nhiệt độ hơi cao thì cá ăn mạnh, thì giật cần phải theo quy tắc thông thường hay giật cần muộn một tí.

Liên quan đến dòng chảy

Dựa vào tốc độ chảy của nước thì chia làm dòng nước chảy xiết, chảy chậm và nước tĩnh. Đối với nước chảy xiết, cá ăn mồi bạo và nhanh, khi thấy tín hiệu cá ăn mồi thì lập tức giật cần. Câu cá khi nước chảy chậm có 2 trường hợp, một là cá ăn mồi đột ngột giống trong trường hợp nước chảy xiết, cho nên giật cần cùng lúc với cá ăn mồi, hai là có thể giật cần theo quy luật thông thường. Trường hợp nước tĩnh thì giât cần căn cứ vào địa điểm câu và tình hình cá.

Liên quan đến trọng lượng chì

Đối với cách câu truyền thống thì chì và 2 lưỡi câu nằm ngang dưới đáy hồ, tín hiệu truyền đến phao khi cá ăn mồi tương đối chậm, nên giật cần cũng phải muộn. Nói chung, chì nhẹ nên giật cần sớm, chì nặng nên giật cần muộn.
Tóm lại, giật cần sớm hay muộn đều phải lấy hiệu quả câu được cá làm thước đo, tức là phải giật cần khi cá ngậm mồi nuốt vào miệng và khi cá quay mình chạy đi. Do đó, sớm phải hợp lý và muộn cũng phải đúng lúc, quá sớm hay quá muộn đều không dính được cá.

Bốn yếu tố tạo ổ câu trong câu tay

Phối hợp đúng mồi

Như ta đã biết, cá có cơ quan vị giác, khứu giác và xúc giác rất nhạy cảm, cho nên khi chế biến mồi câu nhất thiết phải tập trung vào vị giác và khứu giác của cá, đặc biệt tại các hồ câu giải trí có đặc điểm là người đông, cá ít, thức ăn nhiều, vị tạp, cá dễ hoảng sợ. Trong tình huống như vậy, kỹ thuật phối hợp và chế biến mồi xả để thu hút cá rất là quan trọng. Có 4 vấn đề cần chú ý khi chế biến mồi xả.
Thứ nhất là phải chú trọng đến trạng thái vật lý của mồi câu. Mồi xả tốt phải có tính sương mù hóa tốt, dễ tan rã, mùi vị nồng. Tính sương mù hóa tốt thì sẽ khiến cho cá dễ ẩn mình và cảm thấy an toàn khi kiếm ăn. Độ tan nhanh thì tốc độ phát tán nhanh và diện tích thu hút cá rộng. Mùi vị đủ nồng thì sức hút cá lớn, khiến cho cá ở lại trong ổ lâu hơn và cá quay đầu trở lại ổ nhiều.
Thứ hai là phải tuân thủ tập quán kiếm ăn của cá. Trong tình hình cá bình thường, sử dụng mồi câu nào thì sử dụng mồi câu đó làm công thức cho mồi xả hoặc là câu bằng mồi gì thì dùng mồi đó làm mồi xả.
Thứ ba là kết hợp kích thích vị giác và khứu giác thì khả năng thu hút cá mạnh. Nếu mồi xả có mùi vị nặng, nhưng không phù hợp với khẩu vị của cá thì cá cũng không vào ổ. Đương nhiên là mùi vị của mồi xả không được vượt qua mồi câu, nếu không cá chỉ ăn mồi xả mà không quan tâm đến mồi câu.
Thứ tư là không được quên tính bay hơi của mồi xả. Nhiều người thường thêm rượu khúc hay tinh dầu để tăng khả năng kích thích vị giác và xúc giác con cá, nhưng khi nhiệt độ cao thì rất dễ bị bay hơi. Cho nên, tốt hơn là lượng mồi xả chỉ làm đủ cho một lần sử dụng.

Điểm ném chính xác

Cho dù xả mồi bằng cách nào thì địa điểm ném phải chính xác. Và khi xả mồi phải chú ý đến dòng nước chảy, hướng gió, sức gió…

Lượng mồi xả thích hợp

Lượng mồi xả ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến năng suất câu cá. Mồi xả quá nhiều, cá ăn no rồi đi, mồi xả ít thì cá thấy không có gì ăn và cũng rời ổ mà đi. Chỉ có lượng mồi câu thích hợp sẽ khiến cho cá ăn không no và cũng không muốn ra đi, thời gian ở lại ổ sẽ lâu hơn. Những cần thủ có kinh nghiệm, sẽ dựa vào nhiều nhân tố khác nhau, thông qua phân tích và phán đoán sẽ quyết định lượng mồi xả.
Thông thường, khi hồ có cá nhiều, cá lớn, nước sâu, hồ rộng, gió lớn, mồi kém chất lượng thì lượng mồi xả nên nhiều và nên cứng một tí. Ngược lại thì lượng mồi xả nên ít và mềm một tí. Đặc biệt phải chú ý đến mật độ cá con nhiều hay ít, cá con nhiều thì lượng mồi xả phải nhiều. Vì khi xả mồi, cá con sẽ vào ổ trước, diện tích tụ tập lớn, khả năng phá ổ lớn là điều không tránh khỏi. Nhưng không sao, cá nhỏ phá thì có cá mà câu và cá lớn sẽ tới. Chỉ cần xả mồi thật nhiều thì vẫn có thu hoạch tốt.

Xem tình hình rồi điền ổ

Sau khi xả mồi, cá lên liên tục, nhưng sau một thời gian, tốc độ lên cá chậm thì lúc này nên xả thêm mồi. Có một cách hay sử dụng là xả nhiều lần với lượng mồi nhỏ, nhưng đều phải tùy vào tình hình cá.
Nhiều người hay câu hết cá rồi mới bổ sung thêm mồi xả vào ổ, và khi đó thời gian phát ổ sẽ chậm và thời gian bị kéo dài. Trong khi đó khi thấy cá lên chậm rồi thêm mồi xả thì cùng lúc giữ được cá cũ ở lại và thu hút thêm cá mới vào ổ, hiệu quả sẽ cao hơn. Nên chú ý là khi cá nhiều, cá nhỏ nhiều, dính cá lớn thì phải siêng bổ sung mồi xả.
Phải tùy vào tình hình thời tiết mà điền ổ. Trong một ngày, sáng và tối thì nhiệt độ thấp, nhiệt độ cao vào giữa trưa. Nhiệt độ và áp suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dục vọng kiếm ăn của cá. Buổi trưa thì nhiệt độ cao, áp suất thấp, thường thì không nên điền ổ.
Tùy tình hình sức gió mà điền ổ. Khi nhiệt độ thấp, sức gió trở nên lớn, mặt nước gợn sóng, thì lượng oxy trong nước tăng lên và cá sẽ ăn rộ, lúc này nên điền ổ nhiều. Ngược lại, khi nhiệt độ cao, sức gió yếu thì không nên điền ổ. Tóm lại khi điền ổ là phải xem tình hình, áp dụng linh hoạt, điền ổ một cách khoa học, lượng mồi xả thích hợp, để đạt được kết quả mong muốn.

Mồi vuốt trong câu tốc độ

Nguyên liệu căn bản để làm mồi vuốt là protein của lúa mì, thường gọi là bột kéo sợi tơ. Loại bột này sau khi thấm nước sẽ tạo nên một vật chất có dạng lưới. Với một lượng nhỏ thích hợp khi trộn vào mồi câu, nhồi mồi vừa phải, sẽ làm cho protein tạo nên cấu trúc hình sợi có độ dài và độ dính vừa phải, mồi câu sẽ xốp, nhẹ và làm cho cá dễ ăn mồi. Nếu nhồi quá nhiều thì mồi sẽ dẻo và không tạo nên cấu trúc hình sợi.
Thực hiện bằng cách để lưỡi câu trên thanh nam châm trong thao mồi vuốt và kéo lê lưỡi câu, 2 lưỡi câu sẽ bị tách rời nhau. Thao mồi vuốt có 2 dạng, một dạng có một thanh nam châm dài, một loại có một miếng nam châm mỏng nằm dưới thao mồi vuốt, mục đích của thanh nam châm này là để cho 2 dây linh không vướng vào nhau. Sau đó lấy mồi vuốt đè lên 2 lưỡi câu, mồi câu sẽ dính trên lưỡi câu sau khi vuốt.
Cách lên mồi này bắt đầu lưu hành từ năm 1998 trong một cuộc thi câu cá diếc tại Trung Quốc vì nó đơn giản và tốc độ lên mồi tương đối nhanh.
Mồi vuốt tốt hay xấu có mối liên hệ mật thiết với nguyên liệu và công thức làm mồi. Muốn lên mồi vuốt tốt, kéo sao cho kích thước hạt mồi câu thích hợp, tốc độ tan khi xuống nước phù hợp với yêu cầu của bạn phụ thuộc vào thao tác làm mồi.

Cách lên mồi vuốt

1. Kéo nghiêng: sau khi tách 2 lưỡi câu trên thanh nam châm, tay cầm cục mồi đè nhẹ lên hai lưỡi câu (đè khoảng 1/3 cục mồi câu, không đè tại giữa cục mồi câu), và kéo từ từ lưỡi câu theo gốc 45º.
2. Kéo lăn tròn: sử dụng khi mồi vuốt làm hơi rã và tan quá nhanh trong nước. Do trãi qua quá trình lăn nên mồi sẽ tan chậm lại. Sau khi tách 2 lưỡi câu, nhưng mồi câu không đè lên lưỡi câu mà để trước lưỡi câu, dùng bàn tay lăn cục mồi tới chỗ lưỡi câu và trong lúc lăn cục mồi trở lại chỗ cũ đồng thời kéo 2 lưỡi câu lên.
3. Kéo bìa tường: Do mồi không tốt lắm (do không đủ lượng, phụ gia không đúng…) nên thao tác kéo mồi sẽ khó khăn. Trước hết là làm cho 1 bên của mồi vuốt thành mặt phẳng giống như 1 bức tường (trong 2 phương pháp trước thì mồi vuốt đều có dạng hình cầu) và đè nhẹ lên 2 lưỡi câu và kéo từ từ.
4. Kéo và cạo: chủ trương làm cho mồi câu loãng và mềm, rãi mồi lên thao mồi vuốt (thao có miếng nam châm ở đáy thao). Đặt lưỡi câu lên thao mồi vuốt và kéo nhẹ là được. Mồi được kéo ra sẽ tan rất nhanh trong nước, thích hợp cho câu gần mặt nước, vì mồi có thể sẽ tan hết khi xuống tới ½ độ sâu nước.

Những điều cần lưu ý khi chế biến mồi vuốt

Điều quan trọng khi làm mồi vuốt là phải khống chế được tỉ lệ của bột kéo sợi. Khi nhiệt độ cao, hạt mồi căn bản phải lớn. Khi nhiêt độ thấp thì hạt mồi căn bản phải nhỏ. Nếu dựa vào thể tích, thể tích bột kéo sợi chiếm khoảng 20% thể tích mồi câu. Chiếm 15-18% nếu dựa vào trọng lượng. Nếu bột kéo sợi nhiều quá thì có thể thêm tí bột bông tuyết, hay loại mồi câu không có độ dính thì có thể giảm bớt tỉ lệ bột kéo sợi.
Phải đọc kỹ về độ tan, tỉ lệ hòa nước, trọng lượng…để dễ dàng cho việc sử dụng và từ đó hiểu được đặc tính của nguyên liệu làm mồi vuốt.
Chọn một thao có đáy lớn và một cái ly để đo lường các loại nguyên liệu và xác định tỉ lệ nước. Trước hết cho tất cả nguyên liệu vào thao lớn và trãi thành một lớp mỏng. Cho nước vào và nguyên liệu sẽ hút nước. Nếu lớp nguyên liệu dày quá thì lớp nguyên liệu dưới cùng sẽ không hút được nước và sẽ không điều chế được trạng thái mồi như ý muốn.
Sau khi thêm nước một thời gian ngắn thì bột kéo sợi tơ sẽ hút nước cùng với các nguyên liệu khác và trương nở thành dạng hình lưới. Nếu thời gian để mồi trương nở không đủ, việc nhồi hay vo mồi đều ảnh hưởng đến sự phân bố của bột kéo sơi tơ trong mồi câu và sẽ làm cho trọng lượng mồi không đồng đều.
Ngay cả khi mồi câu đã vo xong, tốt hơn là đừng nên nhồi hay vo thêm nữa. Nên làm mồi câu đủ cho sử dụng trong vòng 1-2 giờ.
Nguyên liệu phải trộn đều và cho vào thao khô ráo và rộng, trãi đều một lớp không dày quá, khoảng ½ móng tay cái là tốt nhất.
Đo lường lượng nước và đổ vào mồi câu theo cùng một hướng, để cho nguyên liệu hút nước đồng đều và phải chờ đến sự trương nở của mồi kết thúc.
Làm ướt tay và lật ngược mồi câu lên, để một lát để cho bộ phận chưa thấm nước trương nở hoàn toàn.
Lấy một ít ra và vo nhẹ nhàng thành hình tròn. Dùng khăn ướt đậy lại phần còn lại và để nơi khô thoáng.
Đánh mồi sẽ làm cho mồi dẻo và mồi kéo ra sẽ ngắn.
Đối với tỉ lệ nước, thứ nhất là căn cứ thông tin ghi trên bao bì nguyên liệu. Thứ hai, muốn kéo mồi nhỏ và dính, thì tỉ lệ nước nhiều tí và đánh mồi nhiều tí. Muốn kéo mồi lớn thì nước ít. Chú ý là, bất cứ lúc nào cũng không nên đánh và vo mồi nhiều, phải cho đủ nước vào mồi câu và chỉ cho 1 lần thôi.
Khi câu lửng thì nên sử dụng mồi nặng và độ sương mù hóa nhanh. Khi câu đáy thì sử dụng mồi có trọng lượng lớn và độ bám lưỡi lớn.
Cá ăn tốt thì độ sương mù hóa nhanh, cá ăn khôn thì mồi nên dẻo một tí, cá lớn thì mồi vuốt lớn. Cá ăn nhanh thì độ tan chậm, cá ăn chậm thì độ tan nhanh. Khi vuốt mồi cũng nên nhẹ nhàng. Căn cứ vào tình hình cá mà khống chế trọng lượng mồi, câu lửng và nơi nước cạn thì mồi nên nhẹ, câu đáy và nước sâu thì mồi nên nặng.
Cá lớn, cá khôn, nước mập và mùa hè thì nên dùng mồi thơm nhẹ và ngọt ít. Cá nhỏ nhiều, nước trong và mùa đông thì dùng mồi tanh nồng. Câu cá diếc nên thêm bột tôm nam cực, mồi tôm xanh đuôi đỏ. Câu cá chép nên thêm bột nhộng. câu cá trắm cỏ nên thêm bột lục tảo vào mồi câu.

MỒI TRONG CÂU ĐÀI

Phân loại

Mồi dụ: là các chất hữu cơ và chất hóa học có tác dụng đặc biệt trong việc kích thích mãnh liệt khứu giác của cá. Tan nhanh khi xuống nước và nhanh chóng thu hút cá ở xung quanh vào ổ câu.
Mồi tụ: sau khi thu hút cá vào ổ câu bằng mồi dụ, mồi tụ sẽ khiến cho cá ở lại trong ổ câu. Ví dụ, người ta hay dùng hạt kê ngâm trong rượu khúc, rượu khúc chính là mồi dụ và hạt kê chính là mồi tụ, sau khi cá bị thu hút vào ổ câu nhờ vào mùi hương của rượu khúc, cá sẽ ở lại ăn hạt kê, do hạt kê rất nhỏ, cho nên trong thời gian ngắn, cá sẽ ăn không no và sẽ tụ lại trong ổ câu dài hơn.
Mồi câu: Ngày nay, mồi câu ngoài việc phải dụ được cá, khiến cho cá ở lại trong ổ lâu hơn, còn phải có chức năng dính được cá. Nếu không, dụ không được cá nên không dính cá, có khi dụ được cá nhưng giữ cá ở lại không được, thậm chí giữ được cá ở lại nhưng cá không ăn mồi, vì vậy sẽ không dính cá.

Đặc tính của mồi câu

Rất nhiều cần thủ trước khi học câu Đài đều xuất thân từ cách câu truyền thống. Từ quan đểm sử dụng mồi câu trong cách câu truyền thống là tạo ổ trước rồi sau đó mới câu, quá độ đến việc áp dụng mồi câu có tính sương mù hóa để đồng thời vừa là mồi câu vừa là mồi xả, vừa câu vừa thu hút cá chỉ là một sự đổi mới về quan điểm câu cá. Tuy nhiên, nhiều người không phân biệt tình hình cá, dẫn đến nhiều sai lầm trong việc sử dụng mồi câu.
Trạng thái mồi câu bao gồm độ cứng mềm, trọng lượng, sương mù hóa, độ tan và độ bám lưỡi. Trạng thái của mồi câu tốt thì phải phù hợp với tình hình cá. Giai đọan mới bắt đầu câu, tính sương mù hóa của mồi câu tốt có lợi trong việc phát tán mùi vị nhanh chóng để thu hút cá. Trong câu lửng, nếu sử dụng mồi có trọng lượng nhẹ, độ sương mù hóa tương đối nhanh với sự trương nở theo chiều ngang và chiều dọc thích hợp, sẽ có lợi trong việc thu hút cá từ tầng dưới bơi lên và khiến cá ổn định tại một tầng nước nhất định. Tuy nhiên, tốc độ sương mù hóa quá nhanh sẽ thu hút quá nhiều cá và loạn tầng cá, đặc biệt tại khu vực có nhiều cá con, sương mù hóa nhanh quá không những không thu hút được cá lớn vào ổ mà kết quả là một bầy cá nhỏ phá mồi. Sương mù hóa quá độ sẽ làm giảm độ bám lưỡi và sẽ cho tín hiệu của phao không thật. Trường hợp này nên bóp cho mồi hơi dẻo, làm giảm tính sương mù sẽ có kết quả tốt hơn.
Nhiều bạn câu thấy người khác câu nhiều cá và thường hay hỏi là dùng mồi gì, chế biến ra sao. Sau khi làm theo hướng dẫn, lại không dính được nhiều cá như mong muốn, lúc đó lại nghĩ rằng người ta không chỉ dạy hết. Thật ra, cùng một nguyên liệu làm mồi câu, nhưng hiệu quả dính cá rất khác nhau. Phải tùy theo tình hình mà chế biến mồi câu với nhiều trạng thái có tốc độ sương mù hóa khác nhau, tốc độ tan và mức độ bám lưỡi khác nhau là điều rất quan trọng.
Điều quan trọng là phải phân biệt rõ 3 tính chất của mồi câu là tính sương mù hóa, tính tan và tính bám lưỡi. Sương mù hóa là chỉ mồi câu trong quá trình chìm xuống nước, một số phân tử nhỏ tách ra khỏi mồi câu và hòa tan trong nước, và tạo nên một khu vực như sương mù từ trên xuống dưới trong quỹ đạo chuyển động của mồi câu, cũng có thể hiểu đơn giản là một cái đuôi dạng sương mù nối sau mồi câu. Tính tan là hiện tượng mồi câu sau khi rơi đến điểm câu, mồi câu sẽ tan dần dần từ ngoài vô trong dưới tác dụng của nước. Độ bám lưỡi chỉ khả năng mà mồi câu còn dính lại trên lưỡi câu.
Tính tan và sương mù hóa đều là hiện tượng một số phân tử bị tách ra khỏi mồi câu. Nhưng hai hiện tượng đó có những điểm khác nhau. Thứ nhất, sương mù hóa thường do trong mồi câu có pha trộn những nguyên liệu có tính trương nở mà ra, trong khi đó tính tan là đặc tính của bất cứ mồi câu dạng bột nào, chỉ khác là những mồi câu khác nhau thì tốc độ tan sẽ xảy ra nhanh hay chậm. Thứ hai, sương mù hóa xảy ra chủ yếu trong quá trình vận động từ trên rơi xuống, tính tan chủ yếu xảy ra sau khi mồi câu rơi đến địa điểm câu. Thứ ba, sương mù hóa sẽ làm thể tích của mồi câu trương nở cùng lúc với quá trình sương mù hóa, và sự trương nở này khiến cho một số phân tử nhỏ ngoài cùng sẽ bị tách ra cùng một lúc và tan trong nước. Trong khi đó tính tan là do những thành phần của mồi câu bị tan dần từ ngoài vô trong, quá trình sẽ khiến thể tích mồi câu ngày càng nhỏ đi. Đa số mồi câu do nhà sản xuất chế biến để câu cá diếc đều có tính sương mù hóa, còn trạng thái của các loại mồi bột tự chế hay bán sẵn ở ngoài dùng để câu cá chép hay trắm cỏ đều chú trọng đến độ tan của mồi câu. Tính tan và sương mù hóa có quan hệ mật thiết với độ bám lưỡi của mồi câu. Khi tốc độ sương mù hóa và độ tan nhanh thì độ bám lưỡi thường rất kém. Tuy nhiên, chúng ta có thể thêm một số phụ gia như là bột kéo sợi tơ, như vậy mồi câu vẫn đạt được mục đích là tan nhanh, sương mù hóa nhanh nhưng vẫn có độ bám lưỡi nhất định.
Như vậy, khi nào thì phải làm cho tính sương mù hóa nổi bật? khi nào cần phải làm cho tính tan nổi trội hơn? Và làm thế nào có thể nắm bắt được tốc độ sương mù hóa và độ tan để mà có thể đối phó với ảnh hưởng của nó đối với độ bám lưỡi. Nếu không thể giải quyết triệt để vấn đề trên, cho dù bạn có công thức bí truyền làm mồi nhưng hiệu quả dính cá vẫn rất thấp, là do kỹ thuật pha chế và thao tác làm mồi không giống nhau.

Tính sương mù hóa

Có hai khuynh hướng trong việc sử dụng tính sương mù hóa của mồi câu. Thứ nhất, các cần thủ không chú trọng đến trạng thái sương mù hóa của mồi câu, cho dù mồi câu có tính sương mù hóa tốt đều trở nên cứng và dai dưới bàn tay họ. Thứ hai, một số bạn câu đã quá lạm dụng tính sương mù hóa cho dù tình hình cá như thế nào, và sẽ cho kết quả trái ngược lại. Thật ra, tính sương mù hóa của mồi câu là con dao hai lưỡi, vai trò tích cực của nó là giúp cho mùi vị của mồi câu lan tỏa nhanh chóng, kích thích thị giác, khống chế tầng cá và giảm bớt trọng lượng của mồi câu. Thế nhưng, sương mù hóa quá độ sẽ mang lại nhiều hậu quả như là khiến cho chất lượng nước tại điểm câu bị xấu đi, nếu thu hút cá quá nhiều thì sẽ khiến cho tầng cá bị xáo trộn và sẽ khiến cho tín hiệu phao không trung thực…Huống chi khi câu cá lớn (trừ cá mè), mồi sương mù hóa sẽ khiến cho khu vực nước tại điểm câu bị đục bẩn, ngoại trừ việc thu hút được một bầy cá nhỏ phá mồi, sương mù hóa không những không thu hút được cá lớn mà sẽ khiến cho cá lớn hoảng sự mà bỏ chạy. Vì cá lớn trong tự nhiên có thói quen tìm kiếm và ăn những mảnh vỡ của thức ăn dưới nước và không quen với việc tìm kiếm thức ăn trong vùng nước trong sạch mà lại có một khu vực bị đục bẩn.
Sự đúng đắn trong việc khống chế tính sương mù hóa của mồi câu thì phải căn cứ vào tình hình cá mà khiến cho mồi câu thể hiện tính sương mù hóa ở những mức độ khác nhau. Thông thường, khi câu những loại cá lớn như là cá chép hay cá trắm cỏ, là phải làm sao để cho mồi câu sương mù hóa ít ở tầng đáy, có những trường hợp không sử dụng mồi câu có tính sương mù hóa sẽ cho kết quả tốt hơn. Khi câu cá mè, nên sử dụng mồi câu có tính sương mù hóa càng nhiều càng tốt, nhất là trong gian đoạn đầu khi thu hút cá, sau khi đã thu hút được bầy cá thì nên sử dụng mồi dẻo một tí và giảm tốc độ sương mù hóa. Điều cần phải nhớ là trong giai đoạn đầu dụ cá thì sử dụng mồi có tính sương mù hóa nhanh, khi câu bình thường thì độ sương mù hóa phải thích hợp, tính sương mù hóa nhanh khi câu lửng và chậm khi câu đáy, cá ăn bình thường thì tốc độ sương mù hóa có thể nhanh tí, cá ăn khôn thì sương mù hóa chậm tí, khi tầng cá ổn định thì tốc độ sương mù hóa nên nhanh, khi có nhiều tầng cá không ổn định thì tốc độ sương mù hóa phải chậm, câu nơi nước sâu thì sương mù hóa chậm và nơi nước cạn thì tốc độ sương mù hóa nhanh. Không có một tiêu chuẩn cố định về tốc độ sương mù hóa, phải dựa vào tình hình cá cụ thể mà quyết định.
Có vài cách để khống chế tốc độ sương mù hóa: thứ nhất là tăng giảm tỉ lệ phụ gia có tính chất sương mù hóa khi trộn mồi câu. Thứ hai là số lần nhồi mồi ít thì tốc độ sương mù hóa nhanh, nhồi mồi nhiều thì sương mù hóa chậm. Thứ ba là khi thêm nước ít thì mồi cứng và sương mù hóa chậm, thêm nước nhiều thì mồi mềm và tốc độ sương mù hóa nhanh.

Tính tan

Nhiều người cho rằng mồi câu có độ tan nhanh thì thời gian mồi câu còn bám lại trên lưỡi câu sẽ ngắn, sẽ dễ dàng bị cá nhỏ ăn hết và không có lợi cho việc câu cá lớn. Cho dù cá nhỏ tại địa điểm câu không nhiều, nhưng đa số bạn câu đều làm cho mồi vừa cứng vừa dai với độ tan kém, họ nghĩ rằng như thế sẽ dễ dàng câu được cá lớn. Nhưng thực tế chứng minh rằng, khi câu cá lớn, mồi câu có độ tan thích hợp thì lợi nhiều hơn hại. Như ai cũng biết, thức ăn chủ yếu của cá lớn trong tự nhiên là những động thực vật vỡ vụng, nếu mồi câu quá cứng và dai thì sẽ khiến cho cá hoài nghi, cho nên mồi câu có độ tan nhất định, cá sẽ ăn những phân tử bị tách ra khỏi mồi câu trước và vô hình chung sẽ nuốt mồi câu và bị mắc câu. Nếu ta làm mồi câu quá cứng, thì sức thu hút cá vào ổ câu sẽ giảm, mồi câu cứng sẽ bất lợi cho việc cá nuốt mồi và lưỡi câu khó mà đâm xuyên qua mồi câu để móc vào miệng cá.
Mồi câu có tính sương mù hóa tốt thì khi xuống nước, quá trình sương mù hóa và tính tan là kết hợp với nhau, khó mà phân biệt, cũng có nghĩa là tính tan của mồi câu bị tính sương mù hóa che phủ. Phải căn cứ vào tình hình cá và độ sâu của hồ câu mà điều chỉnh độ tan của mồi câu. Thông thường, nước sâu, cá nhỏ nhiều, cá thưa, cá khôn thì tốc độ tan nên chậm lại. Không có một tiêu chuẩn thống nhất về tốc độ tan của mồi câu, thông thường thì mồi câu tan rã hoàn toàn trong vòng 3 phút là được.
Có thể thêm một số phụ liệu trong mồi câu như bột năng, bột gạo hay bột kéo sợi để hạn chế tốc độ tan của mồi câu. Thêm hạt bắp vụn, lúa mạch để gia tăng tốc độ tan của mồi câu. Kỹ thuật pha chế là một khâu quan trọng trong việc khống chế độ tan của mồi câu, nhồi nhiều lần hay cho ít nuớc đều làm cho tốc độ tan của mồi câu chậm lại.

Tính bám lưỡi

Đa số người ta cho rằng, khi lưỡi có mồi thì mới dính được cá, cho nên độ bám lưỡi của mồi câu phải tốt. Nhưng thực tế chứng minh độ bám lưỡi không phải là điều kiện tiên quyết để dính được cá. Kỹ thuật câu Đài ngày nay là phương pháp thống nhất mồi câu và mồi xả, nếu chỉ chú trọng đến độ bám lưỡi mà không quan tâm đến khâu xả mồi là không được. Độ bám lưỡi nên căn cứ vào tình hình cá mà hợp nhất với tính sương mù hóa và độ tan của mồi câu, có như thế thì thông qua một bộ phận mồi câu bị sương mù hóa và tan rã để cho mồi câu còn sót lại bám trên lưỡi câu làm nhiệm vụ dính cá, đó chính là thông qua một lượng lớn mồi câu bên ngoài bị tan rã để mà thu hút cá ăn mồi câu bên trong. Từ đó gặt hái được một số gợi ý cho việc câu câu cá lớn, thông qua điều chỉnh độ tan rã của mồi câu và độ nhạy của bộ thẻo câu khiến cho lưỡi câu còn sót lại một tí mồi câu trộn trong đóng mồi câu bị tan rã, khiến cho cá lớn bị mắc lừa và bị dính câu.
Điều cuối cùng phải nói là việc điều chỉnh trạng thái mồi câu còn phụ thuộc vào cách lên mồi câu. Ví dụ mồi kéo sẽ nhanh sương mù hóa và tan nhanh hơn mồi vo, có người trong lúc quan sát phao hay cầm mồi câu trong tay chơi và vô hình chung làm cho tính sương mù hóa và tính tan của mồi câu bị giảm đi. Mồi câu chế biến xong chỉ là bán thành phẩm và thủ thuật lên mồi là một tiến trình gia công thêm cho mồi câu. Cho nên, căn cứ tình hình cá mà sử dụng thủ thuật lên mồi thích hợp là một yếu tố rất quan trọng.

Hy vọng với những chia sẻ của Đồ câu Trung Đức về kỹ thuật câu Đài sẽ giúp các cần thủ có được những buổi đi câu vui vẻ. Chúc các bạn câu cá được thật nhiều ^_^

Tìm hiểu ngay:

Đăng bởi Đồ câu Trung Đức

Đồ câu cá Trung Đức chuyên bán các loại cần câu cá chính hãng, giá rẻ như cần câu máy, cần câu tay, cần câu lure, cần câu lục, cần câu cá lóc, cần câu đơn, cần câu rút, cần câu đài, cần câu cá biển, cần câu tôm, cần câu 2 khúc, 3 khúc, cần câu lure máy đứng, cần câu lure máy ngang, cần câu iso, cần câu lăng xê của các hãng shimano, daiwa, cần câu cá kaifa, tica, okuma, fuji, ryobi, noeby,gamakatsu, máy câu cá, mồi câu cá,thời trang câu cá... Hà Nội : Trần Phú - Minh Cường- Thường Tín- Hà Nội Quảng Ninh : Số 146b Phố My Sơn - Quảng Hà - Hải Hà - Quảng Ninh Số 2 Khu 4, Cửa Ông, Cẩm Phả Quảng Ninh

Bạn nghĩ gì về bài viết này?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia